Dòng tiền vào thị trường có giảm?
(ĐTCK) Đến nay, TTCK Việt Nam có 5/7 phiên sụt giảm, trong đó có 2 phiên diễn ra tình trạng bán tháo, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Nhìn nhận về việc TTCK rơi sâu trong hai phiên ngày 8/5 và ngày 12/5, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect (VNDS) cho rằng, đó là những phản ứng quá đà, không hợp lý.
“Giá trị nội tại của doanh nghiệp vẫn thế, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, trả cổ tức bình thường, thì không có lý gì thị giá cổ phiếu lại rơi quá nhanh và quá sâu như vậy”, ông Giang nói. Trong vòng 1 tuần, thị giá nhiều cổ phiếu giảm 30 - 50%. Sự lệch giữa đà rơi của thị giá và giá trị nội tại doanh nghiệp đang tạo ra cơ hội rất tốt cho người có tiền. Tuy nhiên, theo ông Giang, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu bằng tiền mặt, không lạm dụng khoản vay và nên tính thời gian nắm giữ vài tháng.
Khảo sát của ĐTCK tại một số CTCK cho thấy, không tránh khỏi tình trạng nhiều nhà đầu tư lo ngại về những bất ổn liên quan đến vấn đề Biển Đông nên đã xảy ra hiện tượng bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, đa số CTCK cho hay, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn tương đổi ổn định. Tại VNDS, dòng tiền nhà đầu tư đưa vào đầu tư chứng khoán không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng trong một số phiên gần đây.
“Trong phiên giảm điểm mạnh nhất ngày 8/5, lượng tiền mới nhà đầu tư nộp vào tài khoản tại VNDS cũng đạt vài chục tỷ đồng. Điều đáng để chúng ta vững tin là thanh khoản thị trường đang rất tốt, mỗi phiên có vài nghìn tỷ đồng được chuyển nhượng cho thấy, người bình tĩnh và có tiền vẫn mua cổ phiếu bình thường. Khi dòng tiền mạnh thì không lo chứng khoán mất giá”, ông Giang nói.
Không ít ý kiến cho rằng, áp lực giải chấp từ các tài khoản giao dịch ký quỹ (margin) tại CTCK có thể sẽ tạo nên một vòng xoáy giảm giá mạnh, nhưng Tổng giám đốc VNDS cho rằng, margin không phải là câu chuyện đáng lo ngại. Thực tế, Top 10 CTCK lớn nhất thị trường, đặc biệt là Top 5 thời gian qua đã kiểm soát margin khá chặt. Nhiều CTCK, trong đó có VNDS, đã xử lý tiền vay margin từ trước, đến nay đã xử lý trên 50% lượng tiền vay, nên áp lực giải chấp hiện tại không lớn.
Nhìn nhận về nguyên nhân nhà đầu tư “bán đổ bán tháo”, hầu hết CTCK đều chung nhận định là do tâm lý bị ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Còn về cơ bản, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, hoạt động của các doanh nghiệp không có nhiều biến động. Giá cổ phiếu sụt giảm “thê thảm” là do phản ứng thái quá của các nhà đầu tư.
Nhận định về dòng tiền trên thị trường trong thời gian tới, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK MSBS cho rằng, điều lo ngại nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vẫn là tình hình trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, dòng tiền đang dần dịch chuyển vào thị trường, giúp cân bằng lực cung bán tháo cổ phiếu, cũng như các lệnh giải chấp từ khối CTCK. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, điểm cân bằng cung cầu của thị trường sẽ dao động quanh ngưỡng 525 (+/-5 điểm) và VN-Index khó có thể giảm sâu dưới ngưỡng 500 điểm.
Dù thị trường giảm điểm mạnh, nhưng khối nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh của một số CTCK lớn lại có động thái tăng mua cổ phiếu. Đây được coi là lực đỡ rất tốt cho thị trường trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực.
Một số chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần bình tĩnh, quan tâm đến các hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, tránh chạy theo đám đông. Hiện tại, có nhiều cổ phiếu tốt có thể tham gia đầu tư. Sau một số phiên giảm sâu vừa qua, giá của nhiều cổ phiếu, trong đó có các mã có yếu tố cơ bản vững mạnh, đang ở mức hấp dẫn. Khi căng thẳng trên Biển Đông dịu xuống, giá cổ phiếu có khả năng phục hồi ở mức cao.
Hoàng Anh
Theo Tin nhanh chứng khoán