Quá muộn để bán tháo
Thị trường vẫn bị bán sàn hàng loạt. Rất nhiều cổ phiếu đã về mức thấp, nhưng bên mua không còn quá hưng phấn giống nhiều phiên trước.
Nếu tình trạng này tiếp diễn thì cổ phiếu sẽ rơi tự do cho tới lúc không ai muốn bán giá thấp nữa thì nó sẽ ngừng rơi. Chỉ có những nhà đầu tư (NĐT) khôn ngoan, đủ khả năng chịu đựng bình tĩnh mua vào thì mới có cơ hội chiến thắng.
Trong phiên ngày 12/5, đà bán tháo vẫn bao phủ thị trường, dù mức chất đống không còn nhiều, nhưng vẫn kéo hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Thanh khoản toàn thị thị trường đạt hơn 2.100 tỷ đồng, khi nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục giảm sâu.
Vấn đề lớn là tâm lý NĐT tự bất an, căng thẳng, chứ sự việc chưa đến mức phải quá hoảng loạn. Trong khi đó, thị trường càng giảm thì áp lực bán tự động của các CTCK có thể vẫn còn nhưng không quá nghiêm trọng.
Khủng hoảng sẽ qua
Theo các chuyên gia, xu hướng của TTCK bao giờ cũng tịnh tiến đi lên, chứ không thể thụt lùi mãi được. Vậy nên, việc tháo chạy khỏi thị trường bằng mọi giá thì chỉ có đường là từ bỏ chứng khoán luôn chứ quay lại thì sẽ là hối tiếc muộn mằn.
CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định: TTCK là hàn thử biểu của mỗi nền kinh tế và là nơi hiển thị rõ ràng nhất mối quan hệ mật thiết của kinh tế với các vấn đề chính trị.
Lịch sử đã cho thấy sau một cuộc khủng hoảng, những cơn hoảng loạn dù diễn ra ở mức độ mạnh như thế nào thì cũng sẽ qua đi và xu hướng phục hồi của thị trường là tất yếu, thậm chí có thể đạt được mức tăng cao hơn thời điểm khủng hoảng sau một thời gian nhất định nào đó.
Dẫn chứng từ TTCK thế giới như Mỹ và Nga cho thấy, sự kiện khủng bố 11/9 với thị trường chứng khoán Mỹ đã phải đóng cửa cả tuần, nhưng chỉ số Dow Jones đã để mất 7,13% vào ngày mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, vào đầu tháng 11/2001, chỉ số này đã hồi phục trở lại và kết thúc tháng 11 cao hơn 2,6% so với thời điểm trước khi cuộc khủng bố xảy ra.
Vừa qua, TTCK của Nga cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng chính trị với Ukraine, chỉ số Micex đã giảm xuống 1.237 điểm vào ngày 14/03/2014 từ mức 1.507 điểm vào giữa tháng 2 nhưng đã nhanh chóng hồi phục tại mức 1.371 điểm vào ngày giao dịch gần nhất (08/05/2014) dù cho mọi người vẫn chưa chắc chắn được đâu là điểm dừng của cuộc khủng hoảng chính trị giữa các quốc gia này.
TTCK đã tăng trưởng khá ấn tượng, các yếu tố vĩ mô vẫn đang ổn định, triển vọng của những hợp tác trên cả phương diện kinh tế và chính trị đối với các quốc gia trong khu vực cũng như các cường quốc đã giúp chúng ta từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Điều này sẽ giúp tránh được những va chạm không đáng có và hoàn toàn có khả năng làm điểm tựa để tạo đà tăng trở lại. Hơn 85% doanh nghiệp báo cáo có lợi nhuận tốt trong quý I/2014 là những điều vô cùng tốt đẹp. Thị trường trong ngắn hạn có thể khó lường, nhưng dài hạn chắc chắn là xu hướng tăng điểm không cần phải tranh cãi.
Xu hướng của TTCK bao giờ cũng tịnh tiến đi lên
Quyết định mua vào nếu sụt giảm ở mức chịu đựng được thì chẳng có gì là sai lầm cả. Các cổ phiếu nào nếu bản chất tốt mà sụt giảm mạnh thì nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt trở lại trong tương lai và sẽ đem đến cho NĐT những phần thưởng vô cùng lớn cho sự liều lĩnh của mình.
Theo phân tích kỹ thuật, hai chỉ số hồi phục mạnh trở lại, các chỉ báo kỹ thuật cũng đang xuất hiện tín hiệu tích cực hơn nhưng vẫn cần quan sát thêm. Thanh khoản thị trường tăng lên đáng kể cho thấy dòng tiền đầu cơ đang quay lại thị trường. Các chuyên gia đề xuất chiến lược đầu tư là vẫn có thể giải ngân khi thị trường giảm để cân bằng và bán bớt cổ phiếu khi thị trường tăng.
Cơ hội mua vào
Theo hãng tin nước ngoài Bloomberg, nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng đợt điều chỉnh này trên TTCK Việt Nam để tăng cường mua vào với dự đoán đợt giảm giá dù rất mạnh nhưng có thể sẽ không kéo dài.
Điều đó được tiếp tục chứng minh trong phiên ngày 12/5 khi thị trường lao dốc mạnh, thì nhà đầu tư nước ngoài lại dốc tiền mua ròng lớn với gần 250 tỷ đồng. Điều này cho thấy họ luôn đi ngược với tâm lý tháo chạy của NĐT trong nước. Trên cả 2 sàn trong phiên 12/5, khối ngoại đã mua ròng 10.020.750 đơn vị, tăng 27,89% so với phiên trước và tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 244,8 tỷ đồng, tăng 80,4% so với phiên trước. Tài sàn HoSE, khối ngoại mua vào 13.638.810 đơn vị, trị giá 343,63 tỷ đồng và bán ra 4.708.710 đơn vị, trị giá 117,1 tỷ đồng. Qua đó, khối này mua ròng 8.930.100 đơn vị, trị giá 226,53 tỷ đồng. Cổ phiếu HAG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất cả về khối lượng và giá trị với lần lượt 1.560.420 đơn vị, tương ứng 33,11 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 1.939.250 đơn vị, trị giá 28,59 tỷ đồng và bán ra 848.600 đơn vị, trị giá 10,32 tỷ đồng. Như vậy, khối này mua ròng 1.090.650 đơn vị, tương ứng tổng giá trị 18,27 tỷ đồng.
Cho dù TTCK Việt Nam có đặc thù chủ yếu là NĐT cá nhân, lướt sóng thì chẳng thể nào bán tháo mãi chờ khi thị trường tăng thì mới mua vào cả. Trong khi đó, các CTCK, NĐT lớn, khối ngoại tích cực mua vào thì sớm hay muộn, thị trường cũng sẽ ổn định và tăng điểm trở lại.
Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam sau phiên giảm điểm mạnh đã điều chỉnh về mức tương đối thấp, còn khoảng gần 13 lần so với mức 16 - 20 lần của thị trường trong khu vực. Số cổ phiếu cơ bản tốt mà P/E chỉ khoảng 8 - 9 lần và nhiều cổ phiếu nhỏ làm ăn kinh doanh triển vọng khá cũng rất nhiều.
Các phiên giảm điểm mạnh đã mang lại cơ hội mua vào ở mức giá hấp dẫn cho nhiều NĐT tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp. Còn tâm lý hoảng hốt quá mức vẫn luôn ám ảnh thị trường nhưng xem ra nếu bán vào thời điểm này có thể đã là quá muộn và trở nên hối tiếc về sau.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh